Địa lý Nội_Mông

Bản đồ địa hình Nội MôngThảo nguyên Nội MôngHồ Hô LuânSa mạc Gobi ở Nội Mông

Khu tự trị Nội Mông có lãnh thổ trải dài từ đông sang tây, lần lượt tiếp giáp với các tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh, Hà Bắc, Sơn Tây, Thiểm Tây, Cam TúcKhu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ. Nội Mông có 4.200 km đường biên giới quốc tế với Nga (vùng Zabaykalsky) ở phía tây của địa cấp thị Hulunbuir và với Mông Cổ (các tỉnh Dornod, Sukhbaatar, Dornogovi, Omnogovi, Bayankhongor và một đoạn nhỏ với tỉnh Govi-Altai) ở phía bắc. Nội Mông trải dài 2.400 km theo chiều đông tây, 1.700 km theo chiều bắc nam và nằm trên ba khu vực lớn của Trung Quốc là: Đông Bắc, Hoa Bắctây bắc. Tổng diện tích của khu tự trị Mông Cổ là 1,183 triệu km², chiếm 12,3% tổng diện tích toàn Trung Quốc, đứng thứ ba trong số các đơn vị hành chính cấp tỉnh tại Trung Quốc.[26]

Địa hình

Nhìn chung, khu tự trị Nội Mông Cổ có địa mạo cao nguyên, phần lớn các khu vực có cao độ trên 1.000 mét. Cao nguyên Nội Mông Cổ là cao nguyên cao thứ hai trong bốn cao nguyên lớn của Trung Quốc (cùng với cao nguyên Thanh Tạng, cao nguyên Hoàng Thổcao nguyên Vân-Quý). Ngoài ra, một số bộ phận nhỏ ở cực nam của Nội Mông cũng thuộc về cao nguyên Hoàng Thổ. Ngoài cao nguyên, Nội Mông còn có các vùng núi, gò đồi, bình nguyên, sa mạc, mặt nước.

Khí hậu

Do ảnh hưởng của vị trí địa lý và địa hình, Nội Mông có các vùng khí hậu phức tạp và đa dạng song chủ yếu là khí hậu ôn đới gió mùa lục địa. Vào mùa xuân, nhiệt độ tăng lên, có nhiều gió lớn; mùa hè ấm và rất ngắn, lượng giáng thủy tập trung vào mùa này; nhiệt độ giảm rõ rệt vào mùa thu, sương giá thường đến sớm; mùa đông có nhiệt độ lạnh khắc nghiệt và kéo dài, có nhiều đợt sóng lạnh ập đến.

Lượng giáng thủy hàng năm của Nội Mông dao động từ 100–500 mm, mỗi năm có từ 80-150 ngày không có sương giá, số giờ nắng hàng năm là trên 2.700 giờ.[26] Đại Hưng An lĩnh và dãy núi Âm Sơn là các giới tuyến phân chia khí hậu tự nhiên trọng yếu của Nội Mông.

Tài nguyên nước

Nội Mông có hàng nghìn sông và gần một nghìn hồ lớn nhỏ, trong đó có 107 sông có diện tích lưu vực trên 1000 km², 258 sông có diện tích lưu vực 300 km². Sông lớn nhất tại Nội Mông là Hoàng Hà, chảy vào Nội Mông ở phụ cận Thạch Chủy Sơn thuộc Ninh Hạ. Trên địa phận Nội Mông, ban đầu Hoàng Hà chảy từ nam lên bắc sau đó lại chuyển hướng đông-tây (từ Bayan Nur) và bắc-nam (từ Hohhot), quanh cao nguyên Ordos, hình thành một hình móng ngựa. Khu vực quanh đoạn hình móng ngựa này của Hoàng Hà được gọi là Hà Sáo (河套) và được chia tiếp thành hai phần đông và tây, trong đó phần thuộc Nội Mông chủ yếu thuộc Đông Sáo.

Lượng tài nguyên nước bề mặt của toàn Nội Mông là 40,66 tỉ m³, nếu không tính Hoàng Hà thì hạ xuống còn 37,1 tỉ m³, chỉ chiếm 1,67% so với toàn Trung Quốc; lượng tài nguyên nước ngầm của Nội Mông là 13,925 tỉ m³, chiếm 2,9% so với toàn Trung Quốc; sau khi khấu trừ, tổng tài nguyên nước của Nội Mông là 54,595 tỉ m³.[27] Tính trung bình mỗi năm, một người dân Nội Mông có 2.370 m³ nước, một ha đất canh tác có khoảng một vạn m³ nước.[27] Tuy vậy, tài nguyên nước ở Nội Mông phân bố không đồng đều và cũng không thuận lợi cho con người cũng như hoạt động canh tác.

Lưu vực Hắc Long Giang ở Hulunbuir và Hưng An ở đông bộ chiếm 27% diện tích toàn Nội Mông, tuy nhiên tổng tài nguyên nước lại chiếm 65% của toàn khu tự trị. Hồ Hô Luân ở Hunlunbuir là một trong các hồ nước ngọt có diện tích bề mặt lớn nhất Trung Quốc với diện tích 2.339 km².[27] Hồ bị đóng băng từ đầu tháng 11 tới đầu tháng 5 năm sau và lớp băng có thể dày tới 1 mét. Đổ nước vào hồ Hô Luân là sông Khắc Lỗ Luân có tổng chiều dài 1.254 km, chảy từ nước Mông Cổ sang và sông Ô Nhĩ Tốn (乌尔逊河) dài 223 km chảy từ hồ Bối Nhĩ trên biên giới giữa Nội Mông và nước Mông Cổ, chảy vào hồ Bối Nhĩ là sông Khalkhyn Gol nổi tiếng. Thông qua một hệ thống sông nhỏ và kênh rạch, nước từ hồ Hô Luân chảy vào sông Ngạch Nhĩ Cổ Nạp. Sông Ngạch Nhĩ Cổ Nạp bắt nguồn từ sườn tây của Đại Hưng An lĩnh, sau đó sông tạo thành 944 km đường biên giới tự nhiên giữa Trung Quốc (Nội Mông) với Nga (vùng Zabaykalsky). Sông Ngạch Nhĩ Cổ Nạp sau đó hợp lưu với sông Shilka để tạo thành Hắc Long Giang. Sườn đông Đại Hưng An lĩnh của Nội Mông thuộc lưu vực Nộn Giang, một số chi lưu của Nộn Giang chảy trên địa phận Nội Mông là Cam Hà (甘河), sông Hoắc Lâm (霍林河), sông Nhã Lỗ (雅鲁河), sông Nặc Mẫn (诺敏河), sông Thao Nhi (洮儿河).

Một bộ phận Nội Mông thuộc lưu vực Tây Liêu Hà của Liêu Hà, và sông Vĩnh Định của Hải Hà, Loan Hà. Tổng diện tích Liêu Hà, Hải Hà, Loan Hà, Hoàng Hà chiếm 26% tổng diện tích của Nội Mông, chiếm 25% tổng lượng tài nguyên nước của Nội Mông.[27]. Sông Tây Nạp Mộc Luân (西拉木伦河) hợp lưu với sông Lão Cáp (老哈河) tại Thông Liêu để hình thành nên Tây Liêu Hà, sau đó Tây Liêu Hà còn nhận thêm nước từ Tân Khai Hà trước khi hợp lưu với Đông Liêu Hà, Đông Liêu Hà tạo thành một đoạn ranh giới tự nhiên ngắn giữa Nội Mông và Liêu Ninh.

Các hồ lớn khác tại Nội Mông là Đạt Lý Nặc Nhĩ (达里诺尔) ở Xích Phong và Ô Lương Tố Hải (乌梁素海) ở tiền kỳ Ô Lập Đặc.

Sa mạc

Sa mạc Gobi trải trên một diện tích lớn lãnh thổ Nội Mông và phía nam của nước Mông Cổ. Sa mạc Gobi là sa mạc có diện tích lớn thứ 4 trên thế giới. Phần tây nam của sa mạc Gobi thuộc tây bộ Nội Mông còn được gọi với cái tên Tiểu Gobi được giới hạn bởi Hoàng Hà ở phía đông, sông Ngạch Tể Nạp (额济纳河) ở phía tây và phía tây nam là dãy Kỳ Liên Sơn với cao độ 3.200 đến 3.500 m (10.500 đến 11.500 ft). Sa mạc Ordos bao trùm phần Đông Bắc của cao nguyên Ordos, tại đoạn uốn khúc cực bắc của Hoàng Hà, là một bộ phận của vùng sinh thái này. Sa mạc Badain Jaran ở minh Alxa của Nội Mông cũng là một trong các sa mạc lớn nhất Trung Quốc với diện tích vào khoảng 44.300 km², đây cũng là sa mạc có đỉnh cát cao nhất thế giới với cao độ 1609,597 m so với mực nước biển. Sa mạc Tengger nằm ở tây bộ Nội Mông và trung bộ Cam Túc, kéo dài từ Hạ Lan Sơn (贺兰山) ở phía đông đến Nhã Bố Lại Sơn (雅布赖山) ở phía tây cũng là một trong các sa mạc lớn nhất Trung Quốc. Chính quyền trung ương Trung Quốc và chính quyền Nội Mông cũng tích cực chống hoang mạc hóa và sa hóa, năm 2009 toàn khu tự trị có 926 triệu mẫu bị hoang mạc hóa, giảm 3.100 mẫu so với năm 1999; diện tích bị sa hóa của Nội Mông vào năm 2009 là 622 triệu mẫu, giảm 9,18 triệu mẫu so với năm 1999.[26]

Sinh vật

Nội Mông có 2.718 loài thực vật hoang dã, chủ yếu gồm các loại cây cao, cây bụi, thực vật nửa thân gỗ, thực vật thân cỏ, trong đó thực vật thân cỏ phân bố trên diện tích rộng lớn nhất. Theo phân loại sinh học, Nội Mông có 2.208 loài thực vật có hạt, 62 loài quyết, 511 loài rêu. Về động vật, Nội Mông có 712 loài động vật hoang dã, chủ yếu bao gồm 138 loại thú, 436 loại chim, 28 loài bò sát, 9 loài lưỡng cư. Trong đó có 116 loài động vật được liệt vào danh sách bảo hộ trọng điểm cấp quốc gia và khu vực, với 26 loài động vật được bảo hộ cấp 1, 90 loài động vật được bảo hộ cấp 2.[26]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nội_Mông http://www.nmgnews.com.cn/news/article/20030922/20... http://d.wanfangdata.com.cn/Periodical_nmgsfdxxb-z... http://intonmg.nmg.gov.cn/channel/zjnmg/col6675f.h... http://www.nmg.gov.cn http://www.stats.gov.cn/english/PressRelease/20190... http://www.gov.cn/test/2012-04/05/content_2107027.... http://www.docin.com/p-43859956.html http://books.google.com/books?id=mhJY7VgEWTUC&pg=P... http://www.nmglxs.com/web/artc/1166.html http://news.sohu.com/20070311/n248644253.shtml